Trong suốt tuần lễ thời trang, bên cạnh các show trình làng quần áo và phụ kiện, streetstyle cũng là 1 trong những tâm điểm mà giới thời trang không thể bỏ qua. Các ấn phẩm thời trang dành rất nhiều “đất” cho các biên tập viên, influencer và khách hàng “sộp” của các thương hiệu có thể tỏa sáng và kéo về dòng lợi nhuận khủng cho nhãn hàng.
Phía sau những bức hình chỉnh chu đó là những nhiếp ảnh gia chuyên về streetstyle. Nhiếp ảnh đường phố đã bùng nổ trong 10 năm nay nhờ internet. Và 1 trong những vấn đề quan trọng nhất khi nói đến nhiếp ảnh streetstyle - ngoài việc thương hiệu tặng trang phục và phụ kiện cho các fashionista để quảng bá - là bản quyền. Sau hàng loạt các vụ kiện tụng phức tạp về bản quyền, người ta đang đặt dấu chấm hỏi cho những nguyên tắc bất thành văn mà giới nhiếp ảnh cần lưu ý?
Các nhiếp ảnh gia streetstyle - từ những nhân vật được xem là Tommy Tons và Adam Katz Sindings của ngành cho đến những cái tên ít được biết đến - đều được bảo vệ bản quyền cho tác phẩm của họ. Ngay sau khi họ nhấn nút chụp hình, luật bảo vệ bản quyền sẽ có hiệu lực và người nắm giữ quyền chính là nhiếp ảnh gia, trừ khi anh ấy / cô ấy đồng ý giao bản quyền cho một bên khác, chẳng hạn tạp chí mà họ được thuê, thì quyền bảo vệ bản quyền mới được chuyển giao.
Nghe có vẻ đơn giản đấy: Nhiếp ảnh gia là người chụp nên anh sẽ nắm bản quyền. Vậy còn những tâm điểm của bức ảnh? Họ dính dáng gì với bản quyền không?
Câu trả lời gần như là “không”, vì nhiếp ảnh gia là người phát hiện ra đối tượng, căn đúng khung hình, điều khiển ánh sáng và nhấn cửa trập - họ là creator chính. Tuy nhiên, định nghĩa về ”creator” đã phức tạp hơn; vẫn có trường hợp các đối tượng trong ảnh yêu cầu quyền đồng tác giả với nhiếp ảnh gia khi đối tượng trong ảnh cũng chịu trách nhiệm sáng tạo cho sản phẩm, đóng góp về trang phục hoặc phong cách cho ảnh.
Vấn đề “đồng tác giả” này là tình hình thực tế trong các tuần lễ thời trang: Nhiều đối tượng muốn được chụp ảnh và làm mọi cách để thu hút được ống kính. Chúng ta hẳn không còn lạ với điều này khi trên báo chí luôn nhan nhản các bài viết hướng dẫn cách thu hút camera của nhiếp ảnh gia streetstyle - từ GQ Magazine “Street style photography: how to get yourself spotted”, cho đến Fashionista “How to get shot for street style, according to a professional photographer” .
Theo Alex Sturrock, những người tham dự streetstyle đều cố thu hút sự chú ý của máy ảnh. Họ đề nghị trả tiền cho các nhiếp ảnh gia nổi tiếng để đảm bảo mình sẽ có mặt trên các tạp chí và website thời trang nổi tiếng. Số còn lại thì đơn giản là đi đi lại lại trước nhóm nhiếp ảnh gia trong bộ trang phục lập dị để tăng cơ hội được chụp ảnh.
“Đồng tác giả” không phải tự nhiên mà có. Trong vụ kiện về bản quyền gần đây, luật sư của Gigi Hadid cho rằng cô ấy nên được hưởng “quyền đồng tác giả” trong bức ảnh chụp ngoài chung cư của cô tại New York vì cô cũng góp một tay tạo nên bức hình này.
Luật sư của Hadid khẳng định người mẫu đã mỉm cười và tạo dáng trước ống kính. Với lập luận đó, luật sư tuyên bố rằng nhiếp ảnh gia đã không cố gắng truyền đạt ý tưởng, cảm xúc, hoặc bằng bất kỳ điều gì tác động đến tư thế, biểu cảm, trang phục, ánh sáng hay bối cảnh. Tất cả lập luận đưa ra đều bác bỏ chất xám của paparazi nhà Xclsuive-Lee, Inc. - chuyên trang tin tức lá cải, cũng như mức độ về bản quyền trong ảnh.
Chính vì vậy, bên bị đơn khẳng định Hadid đã đóng góp nhiều cho bức hình và cần được luật bản quyền bảo vệ. Tham chiếu quyết định của tòa án liên bang New York từ năm 2001, rằng đối tượng chính của bức ảnh có thể được xem là đồng tác giả khi anh ấy/cô ấy đóng góp 'trang phục' và việc 'tạo dáng' cho người mẫu - chính xác là những gì Hadid đã làm.
Vụ kiện đã bị thu hồi trước khi thẩm phán có thể bác bỏ các yêu cầu bồi thường vấn đề đồng tác giả. Không chỉ Hadid vướng vào những vụ kiện như vậy, sau đây là vài sự kiện ồn ào diễn ra chỉ riêng trong năm 2019:
Tháng 9/2019 – Jawad Elatab vs Canary Yellow LLC
Theo đơn khiếu nại, Jawad Elatab tố cáo nhà thiết kế đã đăng bức ảnh Hadid cùng chiếc vali thiết kế riêng của Off-White và Rimowa lên Instagram mà không xin phép bản quyền của mình.
Elatab khẳng định Virgil Abloh đã “tái sử dụng và công khai các bức ảnh chụp người mẫu Bella Hadid mà anh chụp ở New York hồi tháng 3”. Vogue và Daily Mail đã được phép sử dụng hình ảnh từ Elatab (ký kết hợp đồng với nhiếp ảnh gia để họ cấp quyền sử dụng (các) hình ảnh của mình để đổi lấy tiền hoa hồng), còn Abloh đã không làm theo điều này.
Tháng 8/2019 – Edward Opinaldo vs Adeam International Corporation
Nhiếp ảnh gia Edward Opinaldo đã đệ đơn kiện thương hiệu thời trang nữ Adeam và nhà quản lý sáng tạo The Wall Group vì đã đăng tải những hình ảnh mà anh chụp Emily Ratajkowski và Annabelle Wallis và đăng trên tài khoản Instagram mà không được sự cho phép của anh.
Tháng 8/2019 – Robert Barbera vs Alexander Wang
Nhiếp ảnh gia Robert Barbera kiện Alexander Wang vì đăng bức ảnh bản quyền chụp Dua Lipa mặc đồ của Wang.
Trong khi Barbera cấp phép cho bức ảnh cho các công ty khác sử dụng thì Alexander Alexander Wang đã tự do dùng ảnh đăng lên MXH và quảng bá cho dòng thời trang của mình. Tệ hơn nữa là Wang còn tag cả chức năng mua hàng cùng giá sản phẩm lên tấm hình đó.
Tháng 7, 2019 - Carlos Vila vs Monse LLC
Monse đăng bức ảnh của Jennifer Lopez và Alex Rodriguez lên Instagram của hãng khi không có sự cho phép của nhiếp ảnh gia Carlos Vila. Theo Vila, Monse “chưa từng xin cấp phép để sao chép, công khai, phân phối và / hoặc sử dụng ảnh”, trong khi đó, những bức ảnh như vậy thường được Vogue mua giấy phép để sử dụng trên trang web.
Tháng 7/2019 – Splash News and Picture Agency vs Nicki Minaj
Splash News đệ đơn kiện nữ rapper với cáo buộc sao chép 7 bức ảnh khác nhau vốn được cấp cho Daily Mail và đã đăng lên tài khoản Instagram với 91 triệu follower của cô.
Hãng ảnh tuyên bố rằng những bức ảnh là “chất xám, sản phẩm đặc thù và có giá trị, sức hút của Minaj, [cũng như] chất lượng hình ảnh” nên họ đáng nhận được lợi nhuận từ việc cấp phép. Việc Minaj tự do đăng lên IG của cô đã “trực tiếp làm giảm giá trị hiện tại và tương lai của bức ảnh.”
Tháng 7/2019 - Carlos Vila vs. Alison Lou LLC
Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp này đã kiện công ty trang sức nổi tiếng Alison Loufor lấy hình người mẫu Emily Ratajkowski trong một đôi bông tai của nhãn hiệu lên story của hãng.
Tháng 7/2019 – Robert Barbera vs Christian Siriano Holdings LLC
Một bức ảnh của Lady Gaga từ tháng 5/2018 đã đưa Christian Siriano vào chảo lửa. Bức ảnh cô ca sĩ trong bộ váy màu đỏ thẫm nổi bật từ bộ sưu tập của nhà mốt được chụp bởi Robert Barbera đã bị Christian Siriano đăng lên Instagram mà không hề mua bản quyền của nhiếp ảnh gia.
Tháng 7/2019 - Christopher Peterson vs. Frame LA Brands
Christopher Peterson kiện Frame LA đã dùng bức hình người mẫu Karlie Kloss. Theo lời tố cáo, ông chụp hình người mẫu này và cấp quyền sử dụng cho Daily Mail với caption “chiếc blazer da màu đen từ FRAME khoác ngoài chiếc áo Off-white thả nút ở cổ, cùng chiếc váy bút chì đen, tất da đen và chiếc cao gót đen tuyền.”
Trái lại, Frame LA không hề mua bản quyền cho bức ảnh và đăng lên Instagram để quảng bá cho dòng quần áo của họ.
Tháng 7/2019 - BackGrid USA, Inc vs Citizens of Humanity, LLC
1 trong những agency chuyên chụp ảnh người nổi tiếng lớn nhất nhì Hollywood đã đệ đơn kiện Citizens of Humanity và thương hiệu AGOLDE của họ vì đã đăng loạt hình của Sofia Richie, Jessica Biel, Zayn Malik, Caitlyn và Kendall Jenner mà không xin phép bản quyền.
Theo Backgrid, những bức ảnh trị giá ngàn USD của họ thường sẽ được mua lại từ các hãng thông tin hàng đầu như TMZ, Entertainment Tonight, New York Post, People Magazine, Huffington Post, the Daily Mail, và nhiều tuần báo khác trên toàn cầu, đã bị Citizens of Humanity ngang nhiên đăng tải lên Twitter và Instagram để quảng cáo đồ của họ.
Tháng 7/2019 - Christopher Peterson vs Marc Jacobs International
Marc Jacobs bị kiện bởi nhiếp ảnh gia Christopher Peterson vì đăng những bức ảnh vi phạm bản quyền lên Instagram của hãng. Theo Peterson, ông đã chụp hình siêu mẫu Bella Hadid – đang mặc đồ hiệu Marc Jacobs – và bạn trai cô The Weeknd tại New York, và lập tức Marc Jacobs đã đăng lại bức ảnh này lên Instagram vào ngày hôm sau. Ông chỉ trích rằng thương hiệu thuộc LVMH đã lợi dụng hình ảnh của ông để quảng bá cho sản phẩm của Marc Jacobs. Chiếc áo Hadid mặc trong hình đang được sale và bức hình có cô đã bị xóa dấu watermark của Christopher Peterson.
Tháng 5/2019 – Barbera vs Ariana Grande and Grandari, Inc.
Robert Barbera kiện Ariana Grande với lời cáo buộc cô sử dụng 2 bức ảnh anh chụp để quảng bá cho album “Sweetener” mà không xin phép ông. Vài tháng sau khi nộp đơn thì vụ kiện được dàn xếp ổn thỏa.
Tháng 5/2019 – Barbera vs CBS Interactive, Inc.
Nhiếp ảnh gia Robert Barbera kiện CBS vì gã khổng lồ truyền thông đã sử dụng bức ảnh của Justin Bieber để đưa nó vào mục “Những bức ảnh được yêu thích nhất trên Instagram” vào tháng 3 vừa rồi.
Tháng 4/2019 – Barbera vs Versace USA, Inc.
Nhà mốt đại tài của đất Ý bị kiện vì đăng 2 bức ảnh của Jennifer Lopez đang diện Versace từ đầu đến chân nữ diễn viên/nhạc sĩ đang diện tại lễ trao giải MTV Video Music Awards mà không có sự cho phép nhiếp ảnh gia Robert Barbera. Theo Barbera, Versace “cố ý, cố tình, bất chấp và thờ ơ với bản quyền [của mình] bằng cách sao chép và hiển thị công khai [chúng] trên [Instagram].”
Tháng 3/2019 – BackGrid USA, Inc.vs Fashion Nova, Inc.
Theo đơn kiện của BackGrid - công ty cấp phép sử dụng các bức ảnh của những người nổi tiếng với giá trị lên tới hàng trăm ngàn USD, Fashion Nova đã sử dụng loạt ảnh của Kourtney Kardashian, Blac Chyna, Amber Rose, và 21 Savage mà không hề xin phép và tự phép quyền sử dụng.
Tháng 1/ 2019 – Xclusive-Lee, Inc., vs Jelena Noura “Gigi” Hadid
Siêu mẫu Gigi Hadid bị kiện bởi Xclusive-Lee với lý do “sao chép và đăng 1 trong những bức ảnh của họ lên Instagram mà không có sự cho phép từ Xclusive-Lee”. Hadid đã thắng khi tòa án bác bỏ vụ kiện, vì Xclusive-Lee chưa hề đăng ký bản quyền bức ảnh này trước khi nộp đơn kiện.
Tổng hợp từ: thefashionlaw.com & alj.artrepreneur.com
Comments