Sự thống nhất đầy bất ngờ của hệ thống màu sắc trên phạm vi toàn cầu.
Paul Kay, khi đó là một sinh viên ngành nhân chủng học tại Đại học Harvard, tìm đến Tahiti vào năm 1959 để nghiên cứu về cuộc sống trên đảo. Anh đoán rằng sắp tới anh sẽ phải chật vật học về màu sắc theo ngôn ngữ địa phương.
Lĩnh vực của anh luôn phải tiếp xúc với một thứ gọi là thuyết tương đối trong ngôn ngữ - cho rằng ngôn ngữ là thứ định hình nhận thức. Màu sắc là “ví dụ điển hình nhất", Kay nói. Các vị giáo sư và tài liệu thời đó đều dạy rằng: cùng một màu sắc, 2 người sẽ nhìn nhận khác nhau vì họ có những từ khác nhau để diễn đạt màu đó. Nếu bạn chỉ biết 3 từ chỉ màu sắc, cầu vồng cũng sẽ chỉ có 3 dải màu. Màu xanh lam cũng sẽ không đẹp như cái tên của nó nếu bạn không có từ cụ thể cho màu sắc này.
Hơn nữa, theo quan điểm của thuyết tương đối, danh mục màu sắc mang tính tùy biến. Phổ quang màu xuất hiện tự do và không theo tổ chức. Các nhà khoa học không thể kết luận rằng những nền văn hóa khác nhau sẽ phân chia màu theo cùng một cách. Với một người nói tiếng Anh như Kay, danh mục "đỏ" có thể bao gồm các sắc độ từ "đỏ đô" đến "ruby nhạt". Nhưng với người Tahiti, "đỏ" có thể bao gồm những màu mà Kay gọi là "da cam" và "tím". Hoặc có thể người Tahiti phân loại màu sắc không phải từ sự kết hợp giữa sắc(hue), độ sáng (lightness) và độ bão hòa (saturation) như người Mỹ, mà bởi chất lượng của vật chất, như kết cấu (texture) hoặc độ bóng (sheen).
Nghe khá phực tạp, nhưng Kay cảm thấy việc học màu sắc theo tiếng Tahiti trơn chu hơn anh tưởng tượng. Ngôn ngữ này có ít từ chỉ màu hơn tiếng Anh. Ví dụ, ninamu được dùng cho cả màu xanh lá cây và màu xanh lam (có thể gọi là grue). Và bất ngờ nhất là hầu hết các màu sắc trong tiếng Tahiti phù hợp với những nhóm màu mà Kay đã biết bằng trực giác, bao gồm trắng, đen, đỏ và vàng.
Trong hầu hết các ngôn ngữ được nghiên cứu, những từ chỉ màu được rút ra từ 11 nhóm cơ bản.
Vài năm sau khi trở lại Boston, anh đã trao đổi với đồng nghiệp Brent Berlin, người đã làm việc với nhóm người nói ngôn ngữ Maya Tzeltal, tại Chiapas, Mexico. Ở đó, Berlin đã gặp chính xác những nhóm màu mà Kay đã quan sát được tại Tahiti, bao gồm cả grue. "Hai ngôn ngữ này không liên quan đến nhau về khía cạnh lịch sử" nhưng chúng lại sở hữu chung một cách nhìn và tư duy về màu sắc. Hoặc cả 2 người đang tình cờ gặp phải một sự trùng hợp, hoặc thuyết tương đối đã sai.
Để giải câu đố này, 2 nhà khoa học trẻ cần nhiều dữ liệu hơn. Vào giữa những năm 1960, cả hai đều làm giáo sư tại Đại học California. Berkeley cùng các sinh viên đã tập hợp những người bản ngữ của 20 ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Ả Rập, tiếng Hungary và tiếng Swords. Họ cho mỗi đối tượng 329 thẻ dán màu cơ bản và yêu cầu anh ấy/cô ấy đặt tên cho mỗi thẻ "một màu cơ bản" - một từ đơn giản nhất, phổ quát nhất để mô tả sắc thái của màu.
Kết quả đưa ra 2 mẫu đáng chú ý, được Kay và Berlin đã biên soạn thành chuyên khảo Basic Color Terms (1969):
Thứ nhất, hầu hết các ngôn ngữ đều có các từ chỉ màu thuộc 11 nhóm cơ bản: trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, vàng, xanh, nâu, tím, hồng, cam và xám.
Thứ hai, có vẻ như các nền văn hóa đúc kết vốn từ vựng về màu sắc theo những cách có thể dự đoán được. Với ngôn ngữ chỉ có 2 nhóm màu, quang phổ màu của họ đi từ trắng đến đen. Với ngôn ngữ có 3 nhóm màu, sẽ có nhóm chỉ màu đỏ, sau đó lần lượt là xanh lá cây/ màu vàng, màu xanh dương, màu nâu, và cứ thế.
Kay và Berlin xem đây là bằng chứng cho thấy màu sắc không bắt nguồn từ ngôn ngữ, mà từ cấu trúc sinh học chung của con người. Các chuyên gia khác đã nghi ngờ và chất vấn phương pháp các nhà nghiên cứu sử dụng, cáo buộc họ có khuynh hướng thiên kiến với ngôn ngữ Anh Quốc (Anglocentric bias), đưa 11 nhóm màu giống tiếng Anh đứng đầu cây tiến hóa màu sắc và ép lập luận đó lên những nền văn hóa khác. Cuộc tranh luận đã nổ ra và kích thíc một loạt các nghiên cứu mới. Suốt nửa thế kỷ tiếp theo, giới khoa học tìm cách củng cố ý thuyết của Kay và Berlin, hoặc tìm ra lỗ hổng và xóa bỏ nó. Họ tìm đến những bộ lạc xa xôi, tiếp cận những đứa trẻ chưa biết ngôn ngữ là gì và dò xét cách bộ não của con người và động vật hoạt động. Họ làm tất cả chỉ để trả lời một trong những câu hỏi cơ bản nhất và sâu sắc nhất về ý thức con người: Màu sắc xuất phát từ đâu: từ tư duy hay từ cấu trúc sinh học? Hay từ một vị trí nào đó giữa chúng?
Một trong những người đầu tiên nghi ngờ cơ sở sinh học của từ vựng về màu sắc là William Gladstone, nhà cổ điển học người Anh và nắm giữ chức Thủ tướng 4 lần trong những năm 1800. Ông nhận thấy nhà thơ Hy Lạp cổ đại Homer đã nhìn màu sắc theo một cách kỳ lạ (ví dụ: “wine-dark sea”) và trong The Illiad và The Odyssey, không xuất hiện cụm từ rõ ràng nào để chỉ một số màu như xanh dương và xanh lá. Gladstone đưa ra kết luận là do thị lực của người Hy Lạp thời đó kém.
Hơn nửa thế kỉ sau, thuyết tương đối trong ngôn ngữ đưa ra một cách giải thích khác: Homer nhìn thấy biển mang màu rượu sẫm không phải vì thị lực kém mà vì ông không có từ ngữ nào đủ để lột tả màu sắc của nó. "Thế giới được nhìn qua một ống kính vạn hoa trong chính tâm trí chúng ta - tức là chủ yếu bởi các hệ thống ngôn ngữ của con người," giải thích bởi Benjamin Lee Whorf, nhà ngôn ngữ học người Mỹ đã đưa ra ý tưởng này vào giữa những năm 1900 .
Vào thập niên 50, thế hệ các nhà tâm lý học nhận thức đầu tiên đã tiến hành thử nghiệm giả thuyết của Whorf và tìm thấy một số bằng chứng thuyết phục. Trong thí nghiệm về trí nhớ, người Mỹ bản địa dùng tiếng Zuni - chỉ có 1 từ cho cả màu cam và màu vàng - đã gặp khó khăn khi phân biệt 2 thẻ màu cam và vàng, so với người nói tiếng Anh. Nhóm khoa học đã kết luận rằng ngôn ngữ thực sự ảnh hưởng đến suy nghĩ.1
Hơn 1 thập kỉ sau, lí luận của Kay và Berlin một lần nữa lại khiến một số nhà khoa học tự hỏi liệu bảng màu có thể xuất phát từ trong một thứ gì đó thuộc về bẩm sinh không. Liệu nguồn gốc của màu sắc có xuất phát từ vùng não nào đó không? Và vị trí của nó ở đâu?
Các nền văn hóa khác nhau đã có sự tương đồng trong nhiều nhóm màu sắc, cho thấy mối liên kết đầy thuyết phục về mặt sinh học.
Hệ thống tiếp nhận màu của con người thực chất rất phức tạp. Khi ánh sáng chạm đến võng mạc, nó kích hoạt 3 lớp tế bào cảm quang, được gọi là tế bào hình nón. Mặc dù tất cả các nón đều tiếp nhận được hết những bước sóng thuộc phổ khả kiến (visible spectrum), nhưng mỗi loại sẽ nhạy cảm với một sóng màu cụ thể. Sự khác biệt tương đối nhỏ giữa cách tiếp nhận này cho phép não thực hiện một số tính toán và xác định màu sắc của vật thể khi chúng ta nhìn vào.
Cách não bộ hoạt động vẫn là một điều bí ẩn, nhưng các nhà thần kinh học đang dần giải mã được nó. Họ phát hiện bên trong vỏ thị giác (visual cortex) có 1 trung tâm xử lý thông tin gần phía sau hộp sọ. Các tín hiệu, sau khi được nón tiếp nhận, sẽ chuyển tiếp để trung ương để não nhận diện được những thay đổi của ánh sáng xung quanh. Đó là lí do ta thấy quả chuối màu vàng hoặc quả táo màu đỏ, ngay cả khi chúng ở ánh sáng ban ngày hoặc nơi sáng mờ.
Bevil Conway, chuyên gia màu sắc tại Wellesley College và MIT giải thích "Khả năng nhận biết 'chuối màu vàng' và “táo màu đỏ” có thể xuất phát từ vùng gần bên dưới bộ não, bên trong lớp vỏ thái dương, đó là khu vực có nhiệm vụ nhận diện thị giác cấp cao như để phân biệt các khuôn mặt." Với giống khỉ macaque (có võng mạc tương tự con người), ông tìm thấy những vùng tế bào nhỏ thuộc vị trí tương tự, đã phản ứng với các màu sắc cụ thể, tạo nên một biểu đồ quang phổ.2 Vậy nên ta biết được mạng lưới thần kinh có nhiệm vụ nhóm các hạng mục màu sắc dường như tọa lạc ở một vùng khác trong não và chỉ có ở con người.3,4
Jules Davidoff, nhà tâm lý học tại Đại học Goldsmiths, cho rằng con người có bộ phận riêng để phân biệt và sắp xếp màu sắc. Điều này có thể giải thích vì sao khi 2 người nói tiếng Anh nhìn vào cùng 1 màu hạt dẻ, dù cả 2 đều phân biệt được màu hạt dẻ với những sắc thái gần đó, họ lại không dùng chung 1 nhóm màu cơ bản. 1 người có thể cho rằng nó là màu đỏ; người khác có thể nói nó thuộc màu nâu. Trên thực tế, Davidoff và những người khác nghiên cứu thấy nhóm màu sắc thực chất đa dạng hơn nhiều so với con số 11 trong nghiên cứu ban đầu của Kay và Berlin.
Sau khi Basic Color Terms được xuất bản, giới phê bình đã chỉ trích Kay và Berlin vì chỉ tiến hành khảo sát với 20 ngôn ngữ, và trong số đó, nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh và tiếng Ả Rập lại bị ảnh hưởng nhiều bởi ngành công nghiệp toàn cầu. Vì vậy, khi William Merrifield - nhà ngôn ngữ học Kitô giáo đã thực hiện bản dịch Kinh Thánh, đề nghị hỗ trợ bằng cách kêu gọi các nhà truyền giáo trên toàn thế giới tiến hành khảo sát về màu sắc tại các địa điểm xa xôi tại địa phương, Kay và Berlin đã ngay lập tức đón nhận cơ hội. Dữ liệu thu được hoàn thành vào đầu những năm 1980 với cái tên World Color Survey, tổng hợp các thuật ngữ chỉ màu cơ bản từ 110 ngôn ngữ,bao gồm cả các nền văn hóa phi công nghiệp.
Khảo sát ở quy mô toàn cầu này củng cố luận điểm ban đầu của Kay và Berlin: Giữa các nền văn hóa khác nhau xuất hiện sự tương đồng trong nhiều nhóm màu sắc, cho thấy mối liên kết mạnh mẽ về mặt sinh học. Và dữ liệu cũng tiết lộ sự đa dạng đáng ngạc nhiên hơn. Ngôn ngữ Karajá của Brazil chỉ có 4 nhóm màu cơ bản, các màu vàng, xanh lục và xanh lam được gom vào cùng 1 nhóm.5 Tiếng Nga và tiếng Hy Lạp hiện đại có các thuật ngữ riêng chỉ màu lam nhạt và màu lam đậm, khiến mỗi ngôn ngữ sở hữu đến 12 màu cơ bản. Trong khi đó, Tiếng Hàn, 연두 (màu vàng-xanh lá cây) và 초록 (màu xanh lá cây) là 2 từ khác biệt, tạo ra một ranh giới mà không ngôn ngữ nào có thể làm được.
Vì một lý do gì đó, giai đoạn từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, bảng màu được thu gọn lại và di chuyển sang bán cầu khác.
Tìm kiếm câu trả lời cho sự khác biệt này, đầu những năm 2000, Davidoff và đồng nghiệp tiến hành đối chiếu nhận thức về màu sắc của người nói tiếng Anh với người nói tiếng Berinmo (New Guinea) và người nói tiếng Himba (Namibia) - 2 nhóm người chỉ có 5 màu cơ bản, bao gồm một nhóm cho grue.6,7 Trong thí nghiệm, họ đưa từng đối tượng một mẫu màu, sau đó đặt nó bên cạnh mẫu màu thứ hai có sắc thái hơi khác. Nếu mẫu đầu tiên có màu xanh lá cây, người nói tiếng Anh sẽ dễ dàng phân biệt được mẫu màu thứ hai nếu nó mang sắc xanh dương trong tiếng Anh. Nhưng với người nói tiếng Berinmo và Himba, họ gặp nhiều khó khăn hơn. Mặc dù họ có thể phân biệt các sắc thái đó cũng như những đối tượng khác, họ lại không phân biệt được 2 mẫu trên vì chúng có cùng tên gọi. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những người nói tiếng Nga phân biệt 2 sắc xanh dương dễ hơn người nói tiếng Anh, 8 và người Hàn Quốc sẽ dễ phân biệt được màu vàng-xanh lá cây và màu xanh lá cây của họ.9
Những phát hiện này dường như ủng hộ quan điểm của thuyết tương đối: Ngôn ngữ can thiệp vào nhận thức, khiến màu sắc có vẻ giống / khác hơn so với thực tế. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng cố gắng tìm bằng chứng về khả năng phân loại màu sắc của con người đã có sẵn ngay từ khi còn nhỏ, trước khi chúng ta học ngôn ngữ.
Anna Franklin, nhà tâm lý học nhận thức tại Đại học Sussex gần đây đã chứng minh rằng những đứa trẻ trước khi biết ngôn ngữ đã phân biệt được một số nhóm màu tương tự một người trưởng thành nói tiếng Anh. Khi các nhà nghiên cứu cho đứa trẻ sơ sinh một loạt các mẫu màu, chúng có xu hướng nhìn vào các màu chúng chưa từng thấy lâu hơn. Ví dụ, nếu một em bé đã từng thấy màu xanh vỏ chanh, bé sẽ chú ý nhiều hơn đến mẫu màu tiếp theo nếu nó có màu xanh nước biển, hơn là màu xanh rừng. Ánh mắt nán lại lâu hơn cho thấy đứa bé đã nhận ra màu sắc mới. Mặc dù các bé có thể phân biệt giữa hai loại xanh lá khác nhau, "Trong bộ nhớ, các bé sẽ phân loại màu như thể chũng là những trải nghiệm nhận thức tương tự nhau", Franklin giải thích, vì vậy làm cho sự thay đổi màu sắc có vẻ ít thú vị hơn.
Dù vậy, chúng ta vẫn chửa hiểu rõ cách bộ não trẻ em phân loại màu. Trong một nghiên cứu năm 2011, nhóm nghiên cứu tại Trường Y khoa Mount Sinai, New York đã tìm ra công thức mô tả được cách thông tin đi từ võng mạc dẫn đến sự phân tách màu thành các tông màu ấm (trắng) và mát (đen), cho thấy cấu trúc vật lý của hệ thống thị giác đã có thể tạo ra đường đứt gãy tự nhiên trong không gian màu.10 Các nhà nghiên cứu khác suy luận rằng màu sắc trong tự nhiên xoay quanh các sắc thái nhất định, như màu đỏ tươi của máu và quả mọng, hoặc màu xanh lá cây của cánh đồng và tán lá. Khi còn bé, bản năng con người đã cho phép ta nhận ra điều này.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng khoa học sẽ dung hòa các triết lý tương đối và phổ quát. "Trong mọi cuộc tranh luận về tự nhiên - luyện tập, kết quả thường là sự kết hợp cả hai", Franklin nhận xét. Trong một nghiên cứu năm 2008, cô phát hiện rằng trẻ sơ sinh sẽ nhanh chóng nhận ra màu sắc từ nhóm màu mới nếu nó xuất hiện trong trường thị giác bên trái, từ đó chuyển thông tin đầu vào đến bán cầu phải. Trái lại, người lớn sẽ nhanh chóng nhận ra một nhóm màu mới khi nó xuất hiện trong trường thị giác bên phải, và thông tin sẽ tương tác với bán cầu não trái - trung tâm ngôn ngữ.11 "Trong giai đoạn học các từ chỉ màu sắc, khi các danh mục màu sắc được định hình và 'ngôn ngữ' hơn, bán cầu não trái sẽ dần chiếm ưu thế", theo Franklin Franklin. Đôi khi giai đoạn từ thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, vì những lý do bí ẩn nào đó, bảng màu trở nên gọn gàng hơn và di chuyển sang bán cầu khác.
Giả thuyết này phần nào giải quyết cuộc tranh luận cũ mà Kay và Berlin gây ra. Nhưng nó đặt ra những câu hỏi mới: Liệu những nhóm màu mà chúng ta cảm nhận khi còn nhỏ đã đặt nền tảng cho những gì ta cảm nhận được khi trưởng thành, từ đó được thay đổi và tinh chỉnh bởi ngôn ngữ? Hay chính ngôn ngữ là thứ đã điều khiển cách chúng ta nhận dạng màu sắc từ bé, áp đặt trật tự của riêng nó lên thế giới nhận thức của chúng ta?
Câu trả lời cho nó có thể giải thích cho rất nhiều thắc mắc, không chỉ riêng thắc mắc về màu sắc, mà còn lí giả vì sao chúng ta phân chia thế giới theo cách hiện tại - các chủng tộc, tầng lớp, giới tính và khuynh hướng tình dục; tại sao người Himba chỉ có 5 thuật ngữ chỉ màu cơ bản nhưng lại có rất nhiều từ mô tả vật nuôi của Màu sắc là một "nền tảng thử nghiệm" cho sự tồn tại của con người. Nó không chỉ là những dải cầu vồng.
Tổng hợp:
References
1. Lenneberg, E. & Roberts, J. The denotata of language terms. Paper presented at the Linguistic Society of America, Bloomington, IN (1953).
2. Conway, B.R. & Tsao, D.Y. Color-tuned neurons are spatially clustered according to color preference within alert macaque posterior inferior temporal cortex. Proceedings of the National Academy of Sciences 106, 18034-18039 (2009).
3. Brouwer, G.J. & Heeger, D.J. Categorical clustering of the neural representation of color. The Journal of Neuroscience 33, 15454-15465 (2013).
4. Bird, C.M., Berens, S.C., Horner, A.J., & Franklin, A. Categorical encoding of color in the brain. Proceedings of the National Academy of Sciences 111, 4590-4595 (2014).
5. Kay, P. & Maffi, L. Color appearance and the emergence and evolution of basic color lexicons. American Anthropologist 101, 743-760 (1999).
6. Roberson, D., Davies, I., & Davidoff, J. Color categories are not universal: Replications and new evidence from a Stone-age culture. Journal of Experimental Psychology: General 129, 369–398 (2000).
7. Roberson, D., Davidoff, J.B., Davies, I.R.L., & Shapiro, L.R. Color categories: Evidence for the cultural relativity hypothesis. Cognitive Psychology 50, 378-411 (2005).
8. Winawer, J., et al. Russian blues reveal effects of language on color discrimination. Proceedings of the National Academy of Sciences 104, 7780-7785 (2007).
9. Roberson, D., Pak, H., & Hanley, J.R. Categorical perception of colour in the left and right visual field is verbally mediated: Evidence from Korean. Cognition 107, 752-762 (2008).
10. Xiao, Y., Kavanau, C., Bertin, L., & Kaplan, E. The biological basis of a universal constraint on color naming: Cone contrasts and the two-way categorization of colors. PLoS One (2011). Retrieved from DOI: 10.1371/journal.pone.0024994
11. Franklin, A., et al. Categorical perception of color is lateralized to the right hemisphere in infants, but to the left hemisphere in adults. Proceedings of the National Academy of Sciences 105, 3221-3225 (2008).
Comentarios